Ôtô để lâu ngày bị hỏng gì, sửa thế nào

Các chủ xe thường gặp lỗi về lốp, ắc-quy, hệ thống điện và các chi tiết bên ngoài do lâu ngày không sử dụng.

Sau gần 2 tháng giãn cách xã hội, lượng xe đi sửa chữa, chăm sóc tăng đột biến sau khi Hà Nội nới lỏng. Theo thợ kỹ thuật, các lỗi chủ yếu khi xe nằm một chỗ dài ngày không được hoạt động liên quan tới ắc-quy, lốp, điều hòa, nội thất, các loại dung dịch. Dưới đây là những lỗi thường gặp, cách xử lý, chi phí và thời gian cần để sửa chữa. Số lượng xe gặp lỗi có thể nhiều hơn nữa khi Hà Nội hết đợt giãn cách, vì thế thợ kỹ thuật khuyên chủ xe nên nắm bắt cơ bản về các lỗi này để chủ động thời gian mang đi sửa chữa, cũng như không bị “chém” giá đắt.

Lốp
Lốp bị xuống hơi, thủng là tình trạng phổ biến khi lâu ngày không di chuyển. Cá biệt với xe nào có trọng lượng lớn mà lốp quá cũ, lâu ngày không di chuyển có thể dẫn tới méo lốp, rách lốp. Nếu chỉ phải bơm lốp hoặc vá lốp thủng chỉ khoảng 50.000-100.000 đồng, tuy nhiên nếu lốp hỏng phải thay thế có thể từ 1,8-2,7 triệu đồng, tuỳ thuộc loại lốp mà xe sử dụng. Thời gian để khắc phục rất nhanh, chỉ khoảng vài chục phút.
Ắc-quy
Ắc-quy hết điện là điều khó tránh nếu xe nằm một chỗ lâu mà không được nổ máy. Chi phí kích nổ lưu động khoảng 200.000 đồng, nhưng nếu cần thay thế chi phí sẽ từ 1,5-2,5 triệu đồng. Thời gian để câu bình hoặc thay bình chỉ khoảng 15 phút. Nếu tài xế có dây câu bình, hoàn toàn có thể tự kích ắc-quy từ một xe của bạn bè, hàng xóm theo quy cách đấu nối đơn giản ở đây.
Thợ dùng ống nghe kiểm tra tiếng động lạ trong khoang động cơ của một chiếc Mercedes tại garage ở Nam Từ Liêm, Hà Nội, hôm 19/9. Ảnh: Minh Quân
Chuột cắn
Đây là lỗi mất nhiều thời gian để bắt bệnh và sửa chữa nhất. Đa số dây bị chuột cắn đều là dây trong khoang máy, liên quan đến hệ thống điều khiển của xe, vì thế chi phí có thể khá cao từ 1-2 triệu đồng cho việc thay thế hoặc sửa chữa. Cá biệt, có một số xe bị cắn hết cầu chì, chi phí có thể lên tới 3-4 triệu đồng.
Nội thất bị mốc
Nếu đỗ xe ở vùng không khí có độ ẩm cao, xe không được mở cửa để lưu thông không khí thì có thể dẫn tới tình trạng bị nấm, mốc trong xe, đặc biệt với xe nào sử dụng nhiều da. Thợ chăm sóc sẽ phải vệ sinh sạch như khi đi rửa xe thông thường, nhưng sử dụng thêm các dung dịch hóa chất để dưỡng da cũng như xử lý triệt để nấm mốc nên tốn thời gian và chi phí hơn. Tài xế có thể chỉ tốn 100.000-200.000 đồng đến cả triệu đồng nếu tình trạng nội thất bị nặng nề hơn, loại da cần chăm sóc là loại cao cấp.
Ngoài ra, còn một số lỗi nhỏ khác cũng có thể gặp phải khi đỗ xe lâu ngày như cần gạt mưa khó di chuyển, mòn chổi gạt hay các môtơ gập gương bị khô hoặc kẹt do lâu ngày không sử dụng, cửa khó mở do các gioăng cao su bị loã hóa. Ở các khu vực ẩm, nhiều xe còn bị kẹt phanh, đĩa phanh bị han gỉ…
Theo khuyến các của các cơ sở sữa chữa, chủ xe nên đưa xe vào cơ sở bảo dưỡng chính hãng hoặc các garage lớn, uy tín để kiểm tra lại toàn bộ xe, hệ thống vận hành, hệ thống an toàn, thay dầu, bổ sung nước làm mát khi cần thiết.
Trước khi vận hành nên kiểm tra đèn, gòi, phanh, ga, các đèn cảnh báo trên xe để xe vận hành được an toàn. Chủ xe cũng nên sắp xếp thời gian, địa điểm bảo dưỡng sao cho phù hợp do hiện tại các xưởng sữa chữa tư nhân và chính hãng đều rất đông.

Tham khảo Vnexpress